Bối cảnh Bầu_cử_Lập_pháp_Liên_Xô,_1989

Vào tháng Giêng năm 1987, Mikhail Gorbachev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU), công bố chính sách mới demokratizatsiya (dân chủ hóa). Theo chính sách này, cử tri sẽ có sự lựa chọn giữa nhiều ứng cử viên cho mỗi khu vực bầu cử, mặc dù tất cả các ứng cử viên vẫn phải là thành viên của CPSU. Khái niệm này được Gorbachev đưa ra để cho phép ông loại bỏ những người bảo thủ trong Đảng, những người chống lại các chiến dịch cải cách perestroikaglasnost của ông, trong khi vẫn duy trì Liên Xô là một nhà nước Cộng sản độc Đảng.

Vào tháng 12 năm 1988, Hiến pháp Liên Xô năm 1977 đã được sửa đổi để thành lập một cơ quan lập pháp mới, Đại hội Đại biểu Nhân dân (CPD), để thay thế cho Xô viết Tối cao cũ của Liên Xô. Đại hội đại biểu nhân dân gồm có 2,250 đại biểu, 750 đại biểu (một phần ba) được dành cho Đảng Cộng sản Liên Xô và các tổ chức liên kết của Đảng, tuy nhiên, hai phần ba còn lại sẽ được bầu theo nguyên tắc demokratizatsiya, với 750 theo hệ thống của Xô viết Liên bang (một đại biểu đại diện cho 300,000 cử tri) và 750 theo hệ thống của Xô viết Quốc gia (một số lượng đại biểu tương đương từ mỗi nước Cộng hòa Liên bang). Cuộc bầu cử cho cơ quan lập pháp mới được thiết lập vào tháng 3 năm 1989.